top of page

Đo thế giới & những ghi chú lẻ tẻ xoay quanh 'Định lý bất tín'của Phạm Hà Ninh  

một nỗ lực đi vào 'Đất mình' hay những chòng chành giữa hai thế giới

Bao nhiêu phần nhận thức và định hình về thế giới của con người lệ thuộc vào cách chúng ta đo lường?

PHÉP ĐO & XÂY DỰNG THẾ GIỚI

Bao gồm một loạt những điêu khắc / đồ tạo tác thủ công được thiết kế như những công cụ đo đạc và dựng hình, ‘Định lý bất tín’ giới thiệu những phát triển mới trong một phần thuộc dự án thực hành trường kỳ của Hà Ninh về xây dựng thế giới mang tên ‘Đất Mình’ | ‘My Land’ (từ 2017 - nay).

 

Ý tưởng về một bộ phận điêu khắc vượt ra khỏi tự sự thị giác trên mặt phẳng đến với Hà Ninh một cách tự nhiên và từ rất sớm, trong giai đoạn đầu của dự án (chiếc máy đo đầu tiên đã ra đời trong một chuyến lưu trú sáng tác mà nghệ sĩ tham gia năm 2018); khởi phát từ một tò mò thuần khiết hơn là một toan tính nghịch lý : Điều gì sẽ xảy ra nếu những điều lệ, hệ thống quy tắc riêng vốn chỉ có nghĩa trong lãnh thổ thuộc ‘Đất Mình’ đi ra khỏi giới hạn hư cấu,  được hiện hữu và vận hành trong thế giới thực? Va chạm của hai hệ thống logic không thể quy chiếu lẫn nhau này sẽ kích hoạt nên những gì: là thú vị hay là rắc rối đây?

 

Không thuộc về thế giới thực, lẽ tất nhiên các dụng cụ đo lường của Hà Ninh không hoạt động theo các quy luật vật lý thông thường, không tham chiếu các đơn vị đo cơ bản và không sử dụng hệ thống số, ngôn ngữ ký hiệu tiêu chuẩn hóa của khoa học mà ta quen thuộc. Sự bất đồng này tuy vậy không phủ định được chức năng của các máy đo. Có một bộ quy tắc vận hành xác định (từ thu thập dữ liệu đầu vào, giao thức xử lý, so sánh thông tin đến các điểm quy chiếu cố định) các máy đo được tuyên bố là những thiết kế đầy đủ và hoạt động được. Ta khó có thể hoàn toàn bác bỏ hay chứng minh điều ngược lại, rằng chúng chỉ là những mô phỏng vô ích và kết quả đo là ảo. Bởi ta được mời xem tận mắt những bản vẽ kỹ thuật, các tấm trưng bày kết quả đo hết sức cụ thể và chi tiết, thậm chí cả những vật tạo tác - những mô phỏng thu được khi ta thị giác hóa đầu ra của các phép đo; Chúng sẽ còn được chứng thực thêm một lần nữa khi quay lại thế giới thật sự của mình, trở thành một trong những công trình cấu thành nên thế giới phẳng của bản đồ lãnh thổ ‘Đất Mình’.

 

Có lẽ là hợp lý khi cho rằng việc thử nghiệm chuyển dời hệ thống đo lường ra khỏi giới hạn tưởng tượng của ‘Đất Mình’ cũng chính là một sự xác định lại chúng, đưa ra những chỉ dẫn cho một cuộc tháo dỡ và ráp hợp liên tục, nhất quán với công trình xây dựng thế giới của Hà Ninh. Bởi xét cho cùng thì

“Tiến hành đo lường một thứ gì đó ấy là ta đang buộc một tồn tại vốn mơ hồ, bất định phải thừa nhận và gánh vác một giá trị thực nghiệm cụ thể và xác định. Chúng ta không phải đang đo đạc thế giới (khách quan) mà thật ra đang tạo dựng một thế giới (cho chúng ta)”

- Niels Bohr <nhà vật lý quan trọng của thế kỷ XX, người nổi tiếng với các nghiên cứu về hạt nhân nguyên tử và những tranh luận với Albert Einstein>

ĐƯỜNG BIÊN &
GIỚI TUYẾN


 

Không chỉ xây dựng và công bố hệ thống đo lường độc lập của dự án ‘Đất Mình’, mở xưởng lần này của Hà Ninh tại manzi còn như một phép thử ‘nghịch - mò’ giữa đường biên của hai thế giới. Một bên là thế giới (được gọi là thật) mà ta tồn tại - định hình bằng hệ thống đo lường tiêu chuẩn SI; một bên là thế giới tưởng tượng với hệ thống đo lường dựa trên những định đề và quy tắc được nghệ sĩ ủy nhiệm. Ranh giới để chất vấn hay hòa giải đã được vạch ra, bằng một mô phỏng trực quan và sinh động: một đường hào thực sự được đào ngay giữa phòng triển lãm!! Sự xuất hiện của một công sự bảo vệ như thế làm nổi bật cái pháo đài nằm giữa - nơi đặt các vật thể/tạo tác của 'Đất Mình'. Một thực tại phân chia được xác lập, cùng với đó “cái khác”“cái thuộc về” được kiến tạo. Nhưng ranh giới này không phải là tuyệt đối. Trái lại, Giới tuyến hay Đường biên luôn hàm chứa tính kép, tính lưỡng phân: có lúc là cầu nối để gặp gỡ, có lúc là rào cản để chối từ phía bên kia; khi thì khuyến khích, khi thì bóp nghẹt những đối thoại. Đường biên có thể mở, có thể đóng, có thể bất di bất dịch hoặc linh hoạt, tùy biến; che chở phần nhiều nhưng giam giữ cũng không ít . Giới tuyến có thể bị vượt qua nhưng cũng có khi bị lẫn lộn. Giới tuyến còn hàm ẩn nỗi bất an và nhu cầu được an toàn.

 

Một trong đặc điểm căn cốt của dự án ‘Đất Mình’ là tính tự quy chiếu: Với lãnh thổ, lịch sử, khoa học kỹ thuật, hệ thống logic và ngôn ngữ riêng, thế giới này sẽ không tương ứng với bất kỳ một nền văn minh nào của con người. Nếu đã xuất phát từ một phủ định tuyệt đối, đã dứt khoát ngay từ đầu không thừa nhận nó vào một hệ quy chiếu có sẵn nào, vậy thì, việc khảo nghiệm đường biên / ranh giới của Hà Ninh trong ‘Định lý bất tín’ phải chăng là không cần thiết? Có thể, điều khiến nghệ sĩ bận tâm và chất vấn ở đây đến từ những nguy cơ về sự cô lập, hay cụ thể hơn trạng thái chủ quan cá nhân quá mức khi xây dựng một thế giới giả tưởng.

Hegel từng tự hỏi, không biết, trong thế giới hiện đại, cái cá thể có còn chút quyền năng nào trong việc đào luyện ra thực tại hay không? Nếu ở thời cổ đại một người có thể là một người chủ hay là một người hầu riêng cho một người chủ, thì ở thời hiện đại, một người lại tùy thuộc vào tất cả mọi người và cũng không tùy thuộc vào một người cụ thể nào, tức là tùy thuộc vào một mạng giao tiếp và tương quan xã hội vô danh, trong đó mình chỉ là một phương tiện, được cơ chế tập thể vận dụng cho những mục tiêu mà chính mình cũng cảm thấy xa lạ và mờ mịt.

Kết quả là cái cá thể vốn luôn khao khát tính tự quyết và sự tự chủ toàn vẹn, giờ bị quy thành một vai trò thuần túy, được định danh và phân loại trong một hệ giá trị phổ quát dường như vận hành theo hướng tự động và vô phương thay đổi. Đối diện với tình cảnh bị vây hoặc bởi những đường biên quy chiếu này, cá nhân có thể phản kháng bằng cách chủ động rút vào một sự tự cách ly (như những nhân vật trong các câu chuyện của Kafka). Nhưng đồng thời, việc rút vào huyền ẩn cá nhân nhằm tuyên xưng sự không tùy thuộc và tự chủ của chính mình lại đẩy cá nhân ấy tới một kết quả oái oăm khác: tự bao quanh chính nó bằng những giới tuyến mới. Để giải quyết nghịch lý này, có lẽ chỉ cần duy nhất một yếu tố thôi, nếu đủ mạnh

 

- ấy là niềm tin.

NGHỊCH LÝ TỰ CHỦ & CÔ LẬP
 

Thử xét theo góc độ ấy thì dường như việc chủ động ý thức về ranh giới và khảo nghiệm nó trong bộ sáng tác này của Hà Ninh đã đề xuất một cách điều hướng niềm tin, cung cấp những định vị cho cả nghệ sĩ và khán giả. Tuy vậy, mức độ hiệu quả và đáng tin cậy của phép định vị này có vẻ sẽ dao động khác nhau với mỗi cá nhân. Khơi gợi sự tự chủ với sự tự cô lập bằng hiện diện chồng chéo của hai thế giới (trong bối cảnh giới hạn của một không gian triển lãm), khán giả được mời gọi truy cập vào 'Đất mình' mà không rơi vào thế bị động, chúng ta có thể bị thuyết phục hoặc tìm cách bác bỏ, hoặc thậm chí để mặc mình lạc lối với những hoài nghi, nửa tin nửa ngờ cũng xong, không chịu một thúc ép hay đòi hỏi riết róng nào rằng phải có một lời khẳng định sau cùng: CÓ hay KHÔNG

& TÍNH PHI THỰC TẠI CỦA THẾ GIỚI

NGHỊCH LÝ SỐ ẢO

Trong quyển tiểu thuyết đầu tay của mình ’Die Verwirrungen des Törless’ - 1906 (Nỗi băn khoăn của chàng trai trẻ Törless), nhà văn Musil đã đề cấp đến những suy tư về một khái niệm toán học: Đơn vị ảo, ký hiệu i, căn bậc hai của -1, tương ứng với một giá trị không tồn tại trong tập số thực (bởi không có một số thực nào thỏa mãn bình phương lên cho kết quả -1). Nhân vật của Musil, chàng trai trẻ Törless, học viên của một trường đào tạo quân sự đã hoài công yêu cầu vị giáo sư dạy toán của mình phải cắt nghĩa cho anh ta cái nghịch lý về con số ảo này: Dựa vào lẽ gì mà từ một giá trị tưởng tượng, người ta có thể giải những bài toán có ích trong đời sống và định lượng hóa những hiện tượng vật lý có thật.

Điều ấy như thể khi người ta vượt qua một con sông - Musil viết - bằng một chiếc cầu không hiện hữu. Khoa học trong ‘Nỗi băn khoăn của chàng trai trẻ Törless’ bị vạch trần: chúng kiến tạo những tòa nhà đồ sộ và kiên cố, nhưng khi ta thử tiếp xúc với những viên gạch đơn lẻ của chúng, những viên gạch ấy lại ‘tự hòa tan trên không trung’. Nó khiến Törless băn khoăn nhưng đồng thời cũng là báo hiệu của một niềm thần khải, một sự vỡ lẽ: hóa ra toàn bộ cái dinh thực của tư duy, cũng như của chính thực tại (tưởng như đã được nắm bắt và chứng minh bằng khoa học thực nghiệm) - kỳ thật lại được ‘xây dựng trên không trung’.

‘Định lý bất tín’ với hệ thống đo lường theo những nguyên lý tưởng tượng phần nào đó tương tự với những lý lẽ và nghịch lý của số ảo. Đo lường là công cụ của khoa học. Còn khoa học, xét đến cùng cũng chỉ là một cách thức (trong nhiều phương pháp) để con người nhận thức về thực tại của thế giới. Tuy nhiên, “Nhận thức về thực tại không thể là thật, chỉ có thể là ảo giác, cho dù đó là một ảo giác dai dẳng” (Albert Einstein)

bottom of page