top of page

Tập 4 . Phần thứ nhất 'Đêm tuyết'

Đóng hộp một khoảnh khắc trong không gian triển lãm, ‘Đêm Tuyết’ không có tuyến tính, hay đúng hơn là KHÔNG THỂ có chút nào vận động thời gian. Ở một bên tường, bốn lớp cảnh được trình hiện như những lát cắt của một khoảnh khắc duy nhất được kể đi kể lại, từ nhiều góc độ. Các tình huống đồng hiện, xen vào giữa những khoảng hoặc RỖNG hoặc IM hoặc LẶNG:

 

Một người đàn ông nằm ngoài trời tuyết;

Một con quái vật trong hang động;

Một tay súng và Một kiếm sĩ trước cửa hang;

 

... Các nhân vật với số phận oái oăm bị trói vào lẫn nhau, đang yên lặng chờ đợi và buộc phải chờ đợi.

 

Mở đầu đã được trình bày, kết thúc dường như mở sẵn, làm sao đi từ mở đầu đến kết thúc, những mối nhân-quả cũng được giải thích rõ ràng; nhưng tất cả hoàn toàn phi logic và bất khả. Ngoài việc nối với nhau như một vòng lặp khép hờ của một mảnh thời gian bị đông cứng, không một diễn biến nào khác là có thể.

 

Ở phía tường còn lại, đối lập với sự đứt gãy và không thể tiếp tục ấy là một loạt những vụn hình khác, ghi lại các sự vật và sự việc độc lập: "quả bí, súng, con chó, cây kim, bóng đè, ngọn giáo....". 

Tất cả từ chối áp đặt một trật tự thứ bậc về kết cấu và kiến trúc, nhưng kỳ lạ là vẫn vang vọng lẫn nhau. Chúng chẳng tuân theo cái gì hết, không một quy luật nào, không một sự xâu chuỗi nào hoàn toàn vừa vặn. Và nhất là, dường như chúng cũng không tuân theo chính tác giả của chúng. Có thể khởi phát từ một xúc động nhất thời, một kích thích ngẫu hứng (chẳng hạn một hình ảnh nhớ lại từ trong mơ, một giai điệu đột nhiên lọt tai và kẹt lại trong tâm trí): Cái “duyên” mở đầu, rồi mọi thứ tự nhập lưu và nhào nặn.

Dẫu mượn một cảnh huống nghịch lý (nhưng không cải trang ngụ ngôn, cũng không khoa trương nặng màu bi kịch) làm khung ráp để nối lại toàn bộ tập 4 của chuỗi tác phẩm lần này, nghệ sĩ chẳng hề cố ý dấy lên những hoài nghi hiện sinh chua cay, hay khơi gợi những hoang mang u uẩn về số phận và bản thể con người. Khước từ việc ‘M KIẾM’, anh chỉ đơn giản là ‘NHÌN & THẤY’, ‘NHẶT LÊN’, mời tất cả cùng thưởng thức.

 

"Cây ra trái, trái chín, chín rồi rụng. Tôi nhặt lấy vài trái và tạm gọi chúng là: Trên con đường của chúng ta."  

< Giới thiệu của nghệ sĩ về chuỗi tác phẩm trên trang web của dự án> 

 

Có lẽ vì vậy mà ‘Đêm tuyết’ (và toàn bộ Tập 4) dẫu có những yếu tố huyễn tưởng dày đặc, đậm mùi và vị riêng, lại không được dọn lên theo kiểu nóng hôi hổi rồi tàn nguội nhanh để ta có thể chóng xơi và tấm tắc gật gù. Lối sắp đặt đa kênh với những khoảng trống duỗi dài không phải nhằm dàn dựng cho một cú kết mãnh liệt bàng hoàng, ngay lập tức bùng nổ những sóng rung tới giác quan và xung thần kinh nơi não bộ. Trái lại, ta phải chờ đợi những tín hiệu khác: giữa nhịp điệu triền miên màu xám xịt, rất khẽ có những xúc cảm đơn lẻ bật rung đâu đó giữa các hình ảnh và lớp cảnh. Một tính thơ của ngẫu nhiên và bất trắc.

 

Lê Xuân Tiến sử dụng đa dạng các chất liệu theo kiểu cắt dán (collage): các đoạn ghi hình gốc (được quay lại từ những chủ động sắp đặt hoặc vô tình bắt gặp), hoạt hình vẽ tay, thêm cả những dữ liệu góp nhặt từ truyện tranh, trò chơi điện tử, các lưu trữ ảnh và phim tư liệu tìm thấy trên internet… Ngồn ngộn các thông tin thị giác, tất cả có vẻ còn thô ráp ấy thế mà tổng hòa lại mượt mà lạ lùng, dù chẳng hề yên ả. Chỗ này chỗ kia sẽ có những gợn lên bất chợt của xúc cảm lạc điệu, chẳng qua cũng như những dấu ngắt quãng ngắn ngủi hay những vết cắt nhỏ.

Vết cắt này rất nông, chỉ đủ cứa xước bề mặt kiềm tỏa phẳng lì của dải đơn sắc tịch mịch và âm thanh êm ro.

Vết cứa quá yếu ớt…

Vậy nhưng trong vòng lặp không ngừng của các đoạn băng,

khi mắt nhìn đã quen và bóng tối nhạt dần,

khi tai nghe đã thuận và âm thanh (như thể đêm tuyết cuồng nộ) kia không còn chút uy hiếp nào nữa,

trong sự loãng dần của thời-không ấy,

cảm giác về những vết cắt âm ỉ này cứ mạnh dần lên, khuếch đại từng chút một, đến một lúc nào đó sẽ đủ để ta giật mình xuýt xoa còn ý thức bị đánh lạc hướng.

 

Yếu tố câm - Yếu tố nhìn thấy - Yếu tố đọc thấy (cấu thành ngôn ngữ hình ảnh mà ý thức ta thường neo đậu vào) trong ‘Đêm tuyết’ cũng như toàn bộ Tập 4 dường như rất rời rạc và hỗn độn, kháng cự những nỗ lực xâu chuỗi và thống nhất. Những chỉ dấu cho lý trí vì vậy dần mơ hồ và sự chuyên chế của ý thức dễ dàng buông lỏng. Phải chăng khi đó, tâm trí ta sẽ chuẩn bị đạt tới những quan sát thuần khiết hơn, và chiêm nghiệm rồi cũng đến, tự nhiên và bình thản. Không đòi hỏi một hoàn tất hay khẩn cầu xác định; chỉ đơn giản là:

 

“Vì ta giống như đất xanh chờ tuyết

Và tuyết chờ băng tan.”

- Paul Ernst (Brunhild)

lê xuân tiến - open studio - manzi | sunny day

Tập 4 . Phần thứ hai

Ngày nắng

Sunny day

'Đêm tuyết' sẽ tắt hẳn sau 19 giờ ngày 30 tháng 9.

Tới ngày hôm sau, 'Ngày nắng' thế chỗ, nhưng không phải là một sự tiếp nối.

Một khả thể khác, độc lập & đối lập (?)

Thay vì một khoảnh khắc bị cô đặc lại như 'Đêm tuyết', kéo giãn & lặp lại từ ngày này sáng tuần khác;  'Ngày nắng' là một phim ngắn - thời lượng trình chiếu chỉ khoảng 30 phút, giới hạn trong một buổi chiếu duy nhất; nhưng có trình tự và diễn biến - một cuộc miên trường điên rồ của đủ mọi giấc mơ và nỗi ám ảnh, với những vào ra không ngừng, những lật mở nơi chốn kỳ dị

CĂN PHÒNG XA LẠ .... CĂN PHÒNG THÂN THUỘC

Cá thể tự tách ra và tự nhân lên thành vô số dạng thức tâm thần / bản thể 

...

Điểm cuối của cuộc hành trình, sau hết thảy những đêm tuyết và ngày nắng, liệu có thể thấy được chút nào hay chăng?

15 giờ 30 phút

01 tháng 10

FINALE

bottom of page